Sau khi mua lại InforEAM từ tập đoàn Infor vào tháng 03 năm 2022, dựa trên những kinh nghiệm thực tiễn của mình trong lĩnh vực thiết kế, quản lý hiệu suất dự án và quản lý vận hành nhà máy, Hexagon đã đầu tư nguồn lực và kinh phí để phát triển mở rộng khả năng của giải pháp với tên gọi mới là HxGN EAM. Sau một loạt nghiên cứu chuyên sâu về thị trường, Hexagon đã xác định được những sức ép của doanh nghiệp hiện nay gồm có:
- Tài chính: Biên độ lợi nhuận giảm, sức ép tăng doanh thu và phân bổ tài chính cao;
- Con người và Công nghệ: Tăng tốc chuyển đổi số, vận hành an toàn và bảo toàn tri thức doanh nghiệp;
- Rủi ro và Quản trị: Giảm thiểu rủi ro, tuân thủ quy định và phát triển bền vững.
Doanh nghiệp có thể có nhiều cách để giải quyết các thách thức đặt ra. Tuy nhiên, những giải pháp này thường xuyên hướng đến mục tiêu sau:
- Sử dụng tài sản: Nâng cao độ sẵn sàng của tài sản sẽ làm tăng năng suất và doanh thu;
- Tối ưu chi phí: Vận hành hiệu quả các thiết bị quan trọng sẽ có ảnh hưởng tích cực đến biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp;
- Phân bổ tài chính: Sử dụng nguồn lực tài chính hiệu quả sẽ làm tăng được vòng đời của tài sản, giảm thiểu CAPEX và nâng cao hiệu suất lưu kho vật tư;
- Tuân thủ quy định: Quản lý tài sản bền vững giúp đạt được hiệu quả phát thải khí carbon;
- Vận hành số: Chuyển đổi số trong vận hành nhà máy giúp nâng cao an toàn và năng suất.
Ngoài ra như chúng ta đã biết, OEE (Chỉ số hiệu suất tổng thể của thiết bị - Overall Equipment Efficiency) là chỉ số đóng vai trò quan trọng nhất trong các ngành công nghiệp. Chỉ số này cho chúng ta biết được Độ sẵn sàng (Availability), Hiệu năng (Performance) và Chất lượng (Quality) hoạt động của thiết bị. Ba yếu tố này sẽ giúp nhà quản lý biết được năng suất thực tế của nhà máy. Tuy nhiên theo thời gian, OEE đã dần bộc lộ ra điểm thiếu sót cốt yếu đó là mối quan hệ với hiệu suất tiêu thụ năng lượng. Từ thực tế đó, các nhà nghiên cứu về quản lý thiết bị đã đưa ra một khái niệm toàn diện hơn gọi là GAS (Global Asset Sustainability) trong đó coi EE (Chỉ số tiêu thụ năng lượng – Energy Efficiency) cũng là một yếu tố song hành và tương quan với OEE.
Để giải quyết bài toán tương quan này, Hexagon đã phát triển sản phẩm HxGN EAM vượt ra ngoài phạm vi quản lý tài sản và bảo trì thiết bị. Tích hợp quản lý hiệu suất thiết bị và xây dựng kế hoạch đầu tư mua sắm tài sản là những điểm nổi trội nhất trong những phát triển gần đây của sản phẩm. Việc bổ sung này giúp hoàn thiện hơn nữa giải pháp, bao quát được ở mức chi tiết những công việc liên quan đến quá trình kế hoạch, tài chính, phân tích và hiệu suất vận hành của thiết bị.
Để làm rõ hơn giải pháp của HxGN EAM, chúng ta hãy xem xét sơ đồ sau:
Đến một thời điểm mà thiết bị vẫn hoạt động tốt, hiệu suất ổn định và chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu, nhưng mức tiêu thụ điện năng tăng vọt. Điều này cho ta thấy OEE vẫn đảm bảo nhưng chi phí năng lượng (EE) tăng cao, đồng nghĩa với hiệu suất sử dụng thực tế của thiết bị giảm. Đây là hiện tượng xuất hiện phổ biến trong tất cả các loại thiết bị vận hành của nhà máy. HxGN EAM giúp nhà quản lý sớm phát hiện được điểm bắt đầu suy giảm (điểm mà mức tiêu thụ năng lượng cao hơn bình thường) của thiết bị để có những biện pháp can thiệp kịp thời. Các loại năng lượng được quản lý trong HxGN EAM không chỉ dừng lại ở điện năng mà còn bao gồm nước, khí, khí đốt, hơi nước,… Sự đa dạng về các loại hình năng lượng có thể quản lý này sẽ giúp cho doanh nghiệp có khả năng quản lý chi tiết đến từng thiết bị để từ đó nâng cao được hiệu suất sử dụng tổng thể của đơn vị, góp phần làm tăng doanh thu và giảm chi phí vận hành một cách hiệu quả.
Quay lại