Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng – TKV(LDA) là công ty trực thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam(TKV), là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khai thác, tuyển quặng bauxit để sản xuất alumina và hydrat, quy mô sản xuất khi đi vào hoạt động ổn định theo thiết kế dự án sẽ khai thác quặng bauxite 4.318.000 tấn/năm, tuyển quặng quặng tinh 1.775.000 tấn/năm và sản xuất vận hành công suất thương mại 630.000 tấn alumina/năm.
Việc ứng dụng Công nghệ thông tin trong công tác quản lý được lãnh đạo phát động với mục tiêu: “Nói không với giấy tờ”, LDA đã triển khai và áp dụng phần mềm Quản lý Cơ điện Infor EAM từ năm 2019 đến nay và mang lại hiệu quả trong công tác quản lý, phối hợp thực hiện công việc giữa các phân xưởng, phòng ban trong đơn vị.
Mục tiêu Xây dựng hệ thống
- Xây dựng được hệ thống quản lý tập trung trong các công tác quản lý thông tin máy móc thiết bị, bảo trì/sửa chữa, kho và vật tư;
- Xây dựng một nguồn thông tin thiết bị duy nhất để đảm bảo tính chính xác trong quá trình quản lý;
- Xây dựng khả năng lên kế hoạch bảo trì tập trung cho toàn hệ thống nhằm giảm thiểu thời gian, công sức cũng như tăng khả năng giám sát thực hiện công việc;
- Xây dựng một hệ thống báo cáo đồng nhất để thu thập một cách khoa học những dữ liệu về độ tin cậy và khả năng bảo trì cần thiết;
- Tích hợp hệ thống để đảm bảo dữ liệu được xuyên suốt giữa những hệ thống quản lý doanh nghiệp khác nhau.
Công ty TNHH Công nghệ Niềm tin với vai trò đơn vị cung cấp và triển khai giải pháp đã phối hợp với LDA tiến hành thực hiện các công việc: khảo sát yêu cầu nghiệp vụ, phân tích, đánh giá công việc thực hiện của đơn vị theo từng phân xưởng, phòng ban; tư vấn và thống nhất các quy trình nghiệp vụ, biểu mẫu cần quản lý của đơn vị áp dụng trên phần mềm; thu thập, xử lý, tải nạp dữ liệu; đào tạo, chuyển giao hệ thống; hỗ trợ vận hành trong quá trình người dùng tác nghiệp trên phần mềm.
Kết quả sau khi triển khai phần mềm
Công tác quản lý thiết bị: Chuẩn hóa và quản lý thông tin thiết bị toàn nhà máy, Danh sách thiết bị - phụ tùng, thông tin chi tiết, lịch sử lắp đặt, thay thế, sửa chữa, số giờ hoạt động, định mức thay thế … của thiết bị, phụ tùng.
Công tác quản lý công việc: Quản lý quy trình bảo dưỡng, nội dung công việc, định mức vật tư, nhân công, nhân lực, …; nhập kế hoạch huy động số lượng giờ hoạt động dự kiến của thiết bị để phần mềm tự động tính toán đưa ra các yêu cầu công việc, quản lý công tác phối hợp thực hiện công việc giữa các phân xưởng – phòng chủ quản.
Công tác quản lý vật tư: Lập kế hoạch sử dụng vật tư tự động dựa trên kế hoạch huy động thiết bị và kế hoạch sửa chữa thường xuyên thiết bị, quản lý, thống kê danh mục vật tư sử dụng.
Công tác quản lý báo cáo: Các báo cáo nghiệp vụ theo mẫu của đơn vị đều đã được tổng hợp và trích xuất ra từ phần mềm, một số báo cáo định kỳ được tự động trích xuất và gửi đến cán bộ quản lý.
Công tác quản lý tra cứu thông tin, phối hợp, chỉ đạo: Tất cả các thông tin đều được thể hiện trên phần mềm theo phân quyền một cách trực quan, dễ truy xuất, việc phê duyệt các yêu cầu trực tiếp trên phần mềm giảm thiểu thời gian liên lạc giữa các phân xưởng, phòng ban.
Các yếu tố để dự án triển khai và vận hành hiệu quả
Để hệ thống được triển khai và đưa vào vận hành hiệu quả, Công ty TNHH Công nghệ Niềm tin với kinh nghiệm triển khai các dự án Infor EAM cho các đơn vị chuyên ngành hoạt động sản xuất khác nhau đã đúc kết và rút ra được các yếu tố thành công của dự án đã triển khai:
- Phần cứng: Thông số kỹ thuật cần được tính toán để có thể tiết kiệm được tài nguyên nhưng đồng thời vẫn tối ưu hóa được tính năng của hệ thống.
- Phần mềm: Đảm bảo các tính năng theo yêu cầu của hệ thống quản lý Cơ điện cho LDA.
- Quy trình/dữ liệu:
- Xác định hoặc xây dựng quy trình chuẩn theo đối tượng triển khai hệ thống. Quy trình được phản ánh theo đúng chuyên ngành/đơn vị triển khai, tạo các mối liên kết và gắn theo mô hình đơn vị.
- Dữ liệu được chuẩn hóa và đặc thù với đơn vị sử dụng .
- Con người: cần có chuyên môn về:
- Công nghệ thông tin: Để đảm bảo giải quyết những vướng mắc về nền tảng công nghệ, phần mềm và cơ sở dữ liệu…
- Quản lý bảo trì bảo dưỡng: Để đảm bảo hiểu và nêu ra được quy trình nghiệp vụ cũng như dữ liệu chuyên ngành.
- Kỹ thuật chuyên ngành: Để đảm bảo kết hợp cùng với chuyên ngành quản lý bảo trì bảo dưỡng hoàn thiện quy trình nghiệp vụ theo từng chuyên ngành đặc thù khác nhau.
Tác giả: Nguyễn Quang Pháp Vũ
Quay lại