fbpx

Việt Nam tự đóng mới giàn khai thác trên biển

Chúng tôi có mặt tại cảng hạ lưu dịch vụ dầu khí PTSC Vũng Tàu vào những ngày này, được chứng kiến khối lượng công việc khổng lồ của những người thợ cơ khí dầu khí. 

Tận mắt chứng kiến những chân đế và khối thượng tầng giàn khoan nặng hàng nghìn tấn được chế tạo, lắp đặt và vận chuyển ngoài khơi xa hàng trăm hải lý, khó có thể tin nổi ngành cơ khí trong nước đã làm được những việc mà cách đây 10 năm chỉ có trong mơ.

Liên tiếp phá kỷ lục

Bãi lắp ráp kim loại thuộc cảng dịch vụ dầu khí Vũng Tàu rộng hàng chục hécta, chật cứng các thiết bị nâng hạ, cùng các kết cấu thép khổng lồ. Đây là thiết bị của hai dự án Sư Tử Trắng và Biển Đông đang được các kỹ sư, công nhân cơ khí dầu khí thuộc Cty cổ phần dịch vụ cơ khí hàng hải (PTSC M&C) và Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro thi công. Kỹ sư Hoàng Đức An – Trưởng phụ trách thi công dự án Sư Tử Trắng – cho biết: Hiện PTSC M&C huy động khoảng 600 nhân lực với đội ngũ thợ lành nghề chiếm 400-500 người. Để hoàn thành giàn đầu giếng Sư Tử Trắng với khối lượng trên 2.000 tấn, gồm 1 khối chân đế nặng 1.200 tấn, khối thượng tầng 1.100 tấn, chưa kể 1.200 tấn cọc và tuyến đường ống dài xấp xỉ 20km, công tác giám sát tiến độ rất chặt chẽ, đảm bảo công trình được bàn giao đúng thời điểm cho chủ đầu tư phát triển mỏ.

 

Hạ thuỷ giàn đầu giếng dự án Sư Tử Đen. Ảnh: Q.T

 

Các dự án đóng mới giàn khoan của PTSC M&C cũng liên tiếp gối đầu nhau, dự án sau phá kỷ lục dự án trước. Nếu như dự án đầu tiên Cty chế tạo là 2 khối block nhà ở trên biển có tổng khối lượng 1.140 tấn, thì các dự án sau có hàm lượng chất xám và công nghệ cao hơn, khối lượng các kết cấu thượng tầng lớn hơn, thời gian thi công luôn được rút ngắn. Kỹ sư An phấn chấn: “Cuối tháng 4.2011, dự án Tê Giác Trắng cho chủ đầu tư Cty điều hành chung Hoàng Long (lô 16.1) đã vừa làm lễ hạ thủy.

Công trình có tổng khối lượng chế tạo, lắp đặt lên tới gần 7.000 tấn gồm 2 chân đế giàn khoan và 1 kết cấu thượng tầng (topside). Sau khi hoàn chỉnh, dự kiến Cty Hoàng Long sẽ tiến hành chạy thử vào ngày 30.6 tới, đón dòng dầu đầu tiên vào tháng 8 với công suất khai thác khoảng 40.000 thùng dầu/ngày”.

 

Anh Quản Đức Hạnh – Phó phụ trách thi công dự án Biển Đông 1 – cho biết: Đội ngũ thợ hàn của PTSC M&C được các đối tác đánh giá rất cao, là đội ngũ thợ lành nghề có đẳng cấp trong khu vực. Tuy tuổi đời còn rất trẻ, nhưng đã đảm nhiệm các công đoạn hàn phức tạp nhất. PTSC M&C tự hào có đội ngũ thợ hàn khoảng 2.000 người, trong đó, nhiều người đã đạt đến chứng chỉ 6G và 6GR là chứng chỉ cao nhất của các tổ chức quốc tế cấp.

Tự đóng mới giàn công nghệ trung tâm

Từ chỗ gia công, đóng mới các chân đế, đến thời điểm này, PTSC M&C đã thực hiện được các dự án “chìa khóa trao tay” bao gồm cả thiết kế, mua sắm, chế tạo, vận chuyển và lắp đặt (nhà thầu EPCI) các khối thượng tầng giàn đầu giếng (phần trên chân đế, bao gồm các thiết bị phục vụ khoan, khai thác dầu khí). Kỹ sư Quản Đức Hạnh cho biết: “Biển Đông 1 là dự án lớn nhất từ trước đến nay, được Tập đoàn Dầu khí mạnh dạn giao cho Cty dịch vụ cơ khí hàng hải và XNLD dầu khí Vietsovpetro làm nhà thầu thi công theo Nghị quyết 233 về phát huy nội lực trong nước.

Với khối lượng lên tới 12.000 tấn giàn xử lý trung tâm, chân đế nặng 16.000 tấn (trước đó dự án được coi lớn nhất là Chim Sáo có độ nặng giàn dầu giếng 1.200 tấn, chân đế 4.000 tấn), dự án Biển Đông 1 sẽ cho khai thác ở khu vực hai mỏ khí Hải Thạch và Mộc Tinh thuộc lô 05.2, 05.3, bồn trũng Nam Côn Sơn có độ nước sâu nước biển lên tới 115-140m.

TGĐ PTSC M&C Phan Thanh Tùng cho biết, với tiến độ rất gắt gao. Cả 2 dự án Biển Đông 1 và Sư Tử Trắng đều phải đảm bảo tiến độ lắp đặt, chạy thử vào giữa năm sau để kịp tiến độ đón dòng dầu đầu tiên. Dự án sẽ phải huy động một khối lượng nhân công tới 3.000 người, đã kinh qua thử thách trong quá trình vừa làm, vừa học. Quá trình thi công các dự án trước đó, hàng loạt sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã làm lợi cho Cty hàng chục tỉ đồng. Khối lượng và kích thước lớn của công trình giàn công nghệ trung tâm cũng yêu cầu thay đổi hoàn toàn công nghệ, phương tiện, thiết bị để chế tạo, hạ thủy, vận chuyển và lắp đặt ngoài biển. Trong tương lai, PTSC M&C đặt mục tiêu mở rộng thị phần ra khu vực, chiếm lĩnh khoảng 10-15% thị phần dịch vụ EPCI” – ông Tùng nói.

 

(Theo Lao Động)

 

Spread the love
Quay lại

Bài liên quan

XEM NHIỀU