Phát hiện sớm việc lắp đặt trái phép các tấm pin năng lượng mặt trời bằng công nghệ viễn thám

Thực trạng phát triển pin năng lượng mặt trời tại Việt Nam

Hệ thống điện năng lượng mặt trời xây dựng trái phép tại Khu công nghiệp Lộc Sơn, (Nguồn http://baolamdong.vn/)

Việt Nam có nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, với số giờ nắng trung bình từ 2.200 đến 2.700 giờ/năm và bức xạ mặt trời trung bình từ 4 đến 5 kWh/m2/ngày. Đây là điều kiện lý tưởng để hình thành và khai thác các dự án điện mặt trời.

Việt Nam đã nhận ra tiềm năng của năng lượng mặt trời và đã thực hiện một số chính sách và ưu đãi để thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng này. Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ban hành biểu giá mua điện (FiT) cho các dự án điện mặt trời. FiT đảm bảo mức giá cố định cho điện mặt trời trong thời hạn 20 năm, mang lại môi trường đầu tư ổn định và hấp dẫn cho các nhà phát triển năng lượng mặt trời.

Nhờ những chính sách hỗ trợ và thúc đẩy, công suất năng lượng mặt trời tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng đáng kể. Theo Bộ Công Thương, tính đến tháng 9/2021, Việt Nam có tổng công suất điện mặt trời đã lắp đặt là hơn 16.500 MW, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng công suất điện của cả nước.

Tại Việt Nam, để có thể thực hiện được các dự án lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trên các mái nhà xưởng hiện hữu trong khu công nghiệp, phải tuân thủ đầy đủ các thủ tục về đầu tư xây dựng: Lập, thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế và cấp phép xây dựng (nếu có) và quản lý chất lượng công trình theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy và các quy định pháp luật liên quan khác.

Chủ trương phát triển điện mặt trời nhằm tăng cường khả năng cung ứng điện, góp phần làm giảm tác hại của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do quy trình phê duyệt mất nhiều thời gian, việc theo dõi, giám sát chưa đủ nghiêm ngặt, nên  các hoạt động lắp đặt trái phép vẫn xảy ra. Có thể kể đến một số công trình như:

  • VINASOLAR Bảo Lộc, Lâm Đồng xin cấp phép làm nhà xưởng nhưng tự ý lắp đặt trái phép các dàn pin năng lượng mặt trời trên mái nhà xưởng.
  • Tại Quảng Nam: Theo báo đầu tư: ”Ai dọn rác điện năng lượng mặt trời? - Bài 1: Những dự án điện mặt trời thách thức pháp luật” kỳ 1,2,3,4.
  • Khánh Hòa: Tỉnh Khánh Hòa cho Dự án Nhà máy Điện mặt trời AMI Khánh Hòa thuê đất vượt diện tích sử dụng đất
  • Bình Định: Theo báo Thanh Niên Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 3 đã lấn chiếm 5,26 ha rừng dương ven biển xã Mỹ An.

Những ảnh hưởng từ việc lắp đặt pin năng lượng mặt trời không được cấp phép:

Việc triển khai lắp đặt các dàn pin năng lượng mặt trời khi chưa được cấp phép làm phát sinh các nguy cơ sau:

  • Vấn đề an toàn và chất lượng: Các hệ thống lắp đặt trái phép không được kiểm tra đúng quy trình và không tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng, gây nguy hiểm cho cả người sử dụng và hạ tầng, môi trường xung quanh.
  • Gây nguy cơ mất an toàn trong quản lý nguồn điện và lưới truyền tải: Việc lắp đặt trái phép không chỉ tạo ra sự không công bằng trong việc phân phối nguồn điện mặt trời mà còn gây ra sự bất đồng nhất trong quản lý và tuân thủ quy định của ngành năng lượng. Bên cạnh đó, việc đấu nối sai quy định, trường hợp nếu hạ tầng lưới điện không đảm bảo sẽ gây ra nhiều vấn đề về truyền tải, kết cấu và gây ra các nguy cơ về môi trường.
  • Ảnh hưởng đến phát triển bền vững: Lắp đặt trái phép các giàn pin mặt trời có thể gây cản trở cho quá trình phát triển bền vững của ngành năng lượng mặt trời ở Việt Nam, ảnh hưởng đến sự đầu tư và hợp tác lâu dài;
  •  Việc sử dụng đất sai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm gia tăng nguy cơ mất diện tích đất trồng trọt, đất rừng, phá vỡ quy hoạch, gây ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường và hệ sinh thái, khí hậu, lãng phí nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt, lắp đặt trái phép các tấm pin mặt trời trong khu vực rừng phòng hộ sẽ làm giảm khả năng phòng chống thiên tai, gây ra các thảm họa thiên nhiên như mưa bão, lũ quét.

Cùng điểm xem quá trình lắp đặt trái phép các tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà xưởng của công ty Vina Solar trong KCN Lộc Sơn, Lâm Đồng. Khu đất lắp đặt được cấp phép để xây dựng xưởng cán thép cho công ty Vina Solar. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng xưởng, công ty Vina Solar đã cố ý lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái nhà xưởng. Chỉ trong vòng chưa đến 01 tháng, cả 2 nhà xưởng mới đều được xây dựng và lắp đặt kín các tấm pin mặt trời với tổng diện tích lên tới 14.400m2. Sau khi xây dựng hệ thống điện năng lượng mặt trời không phép, Công ty Vina Solar đã đấu nối vào trạm biến áp trong Khu Công nghiệp Lộc Sơn. Việc lắp đặt hoàn thành vào cuối năm 2020, nhưng đến tận tháng 2 năm 2021, mới được các cơ quan chức năng phát hiện thông qua công tác kiểm tra tiến độ xây dựng nhà xưởng sản xuất của dự án. Trong video này, Truetech sử dụng nguồn ảnh vệ tinh PlanetScope độ phân giải 3m để xác định các tấm pin mặt trời được lắp đặt trên ảnh đa thời gian.

Tại sao việc lắp đặt các tấm pin mặt trời khi chưa được cấp phép lại khó phát hiện

Theo Bộ Công Thương, có rất nhiều sai phạm trong việc phát triển và thi công các dự án điện mặt trời như:

  • Đưa vào vận hành dự án nhưng chưa có giấy phép về giấy phép xây dựng, văn bản nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy theo quy định,
  • Dự án triển khai nhưng chưa hồ sơ, thủ tục liên quan đến đất đai của các trang trại nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định.
  • Doanh nghiệp tự ý tăng công suất lắp đặt so với hồ sơ thiết kế ban đầu nhưng chưa xin phép cơ quan quản lý nhà nước.
  • Doanh nghiệp, cá nhân tự cho mình quyền được cho thuê mái hoặc tự lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà trong trang trại nông nghiệp, trên mái nhà xưởng và các công trình xây dựng,…

Lý do các dự án lắp đặt pin mặt trời trái phép thường khó bị phát hiện:

  • Quy mô dự án: Các dự án lắp đặt trái phép thường có quy mô nhỏ, lắp đặt trên mái nhà xưởng hoặc nhà dân. Do đó khó thu hút sự chú ý và khó bị cơ quan chức năng phát hiện.
  • Thiếu ý thức về tuân thủ pháp luật của một bộ phận các doanh nghiệp: Xin cấp phép là xây dựng nhà xưởng trong các khu công nghiệp nhưng tự ý lắp đặt trên các mái nhà xưởng gây khó khăn trong quá trình giám sát và đánh giá sai phạm.
  • Cơ quan quản lý: Do nguồn lực hạn chế, một số công trình lắp đặt ở khu vực khó tiếp cận về giao thông, khiến công tác tuần tra, phát hiện sớm và xác minh sai phạm gặp nhiều khó khăn.

Công nghệ viễn thám và ảnh vệ tinh có thể hỗ trợ việc phát hiện sớm các vi phạm

Công nghệ viễn thám đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và giám sát từ rất xa các thay đổi trên bề mặt trái đất , như việc giám sát và phát hiện các dự án pin mặt trời mới được lắp đặt. Sự phát triển của các nguồn ảnh viễn thám độ phân giải siêu cao gần đây cho phép người dùng dễ dàng tiếp cận để triển khai các giải pháp giám sát từ xa. Ưu điểm của sử dụng dữ liệu viễn thám trong giám sát biến động bề mặt bao gồm:

  • Nguồn dữ liệu ảnh đa dạng: Các hệ thống viễn thám có khả năng chụp ảnh từ vệ tinh hoặc từ máy bay không người lái (drone) có thể được sử dụng để chụp hình từ trên cao, cho phép xem xét toàn bộ khu vực và phát hiện các công trình pin mặt trời không phép.
  • Công nghệ định vị: Công nghệ định vị, chẳng hạn như hệ thống định vị toàn cầu (GPS), có thể được sử dụng để xác định vị trí chính xác của các công trình pin mặt trời, từ đó giúp xác định các thông tin về việc tuân thủ quy định pháp luật.
  • Xử lý dữ liệu và phân tích hình ảnh: Công nghệ xử lý dữ liệu và phân tích hình ảnh có thể được áp dụng để phát hiện các đặc điểm đặc biệt của công trình pin mặt trời trái phép, như kích thước, hình dạng và sự khác biệt so với các thông số dự án được phê duyệt.
  • Giám sát thời gian thực: Công nghệ giám sát từ xa, bao gồm cả hệ thống camera giám sát và cảm biến, có thể được triển khai để theo dõi và giám sát hoạt động của các công trình pin mặt trời và phát hiện sự xuất hiện của các dự án không phép.

Các công nghệ này có thể kết hợp với nhau để tạo ra hệ thống giám sát từ xa toàn diện, giúp phát hiện và ngăn chặn các dự án pin mặt trời trái phép. Tuy nhiên, việc thành công trong sử dụng công nghệ này còn phụ thuộc vào sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cung cấp tài nguyên và đào tạo nhân lực có kỹ năng để vận hành và tận dụng tối đa tiềm năng của công nghệ.

Công ty TNHH Công nghệ Niềm tin (Truetech) hiện là đối tác phân phối dữ liệu ảnh vệ tinh của nhiều hãng trên thế giới như Maxar (Mỹ), PlanetScope hay Capella Space. Truetech cũng là đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong triển khai các giải pháp thông tin không gian trong giám sát và quản lý tài sản. Nếu quý khách hàng có nhu cầu về các nguồn ảnh viễn thám cũng như các dịch vụ ảnh và giám sát biến động bề mặt, vui lòng liên hệ với Truetech theo địa chỉ sau: Điện thoại liên hệ: +84 (24) 3776 5088 hoặc email: gbs@truetech.com.vn/info@truetech.com.vn

Quay lại

Bài liên quan

Bạn có thể quan tâm

XEM NHIỀU