fbpx

Giàn nén khí Rồng – Đồi Mồi (GNR): Một công trình, hai kỷ lục

Sau nhiều nỗ lực phấn đấu, Ban quản lý Dự án Khí Đông Nam Bộ (PVSEG) và Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro (VSP) – đơn vị tổng thầu đã hoàn thành xây dựng công trình Giàn nén khí Rồng Đồi Mồi (GNR). Vào lúc 21h ngày 8/12/2010, dòng sản phẩm đầu tiên từ giàn nén khí GNR đã hòa cùng hệ thống gaslift của mỏ Rồng– Đồi Mồi và Bạch Hổ, đưa về bờ, phục vụ hoạt động của các ngành công nghiệp, sản xuất điện, đạm và phục vụ dân sinh.

Giàn nén khí Rồng- Đồi Mồi

Giàn nén khí Rồng- Đồi Mồi là giàn nén khí thứ 2 của Liên doanh dầu khí Vietsovpetro (VSP). Công trình có hai hạng mục chính là phần chân đế và khối thượng tầng, với tổng trọng lượng hơn 2800 tấn, được lắp đặt tại mỏ Rồng, lô 09-1 ngoài khơi Việt Nam. Đây là một phần của dự án thu gom khí đồng hành và gaslift mỏ Rồng và Đồi Mồi, do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và Tổng công ty khí Việt Nam (PVGAS) làm chủ đầu tư, Vietsovpetro làm tổng thầu.

Công trình được thiết kế xây dựng gồm hai tổ hợp máy nén khí cao áp với công suất xử lý 960.000 m3 khí/ngày đêm, nhằm thu gom toàn bộ lượng khí đồng hành và gaslift khai thác từ mỏ Rồng và Đồi Mồi lô 09-1 và 09-3, với trữ lượng hơn 2,5 tỉ m3, đưa về bờ phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Giàn này nối vào hệ thống khai thác dầu khí của Vietsovpetro ở mỏ Rồng và Bạch Hổ thông qua giàn RC-3 và 5 tuyến ống ngầm có tổng chiều dài 43 km.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuyến, Tổng giám đốc Vietsovpetro, lâu nay, lượng khí đồng hành từ các giếng khoan của mỏ Rồng- Đồi Mồi tương đương giá trị 155.000 USD/ ngày đều phải đốt bỏ do không có hệ thống thu gom, xử lý, rất lãng phí. Do vậy, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) chỉ đạo phải thu gom tất cả lượng khí ở 2 mỏ Rồng và Đồi Mồi vừa phục vụ cho việc khai thác để tăng hệ số thu hồi dầu, đồng thời đưa khí về Bạch Hổ để nén sau đó đưa về bờ phục vụ cho các nhà máy điện, đạm. Việc đầu tư xây dựng, đưa GNR vào hoạt động không chỉ làm lợi về kinh tế với con số kỷ lục: 155.000 USD mỗi ngày, mà còn có ý nghĩa to lớn về chính trị, gia tăng sản lượng dầu khí, đảm bảo an ninh năng lượng và an toàn môi trường cho đất nước.

Theo tính toán, với tổng lưu lượng nén của hai tổ hợp máy nén khí cao áp này là 960.000 m3 khí/ngày đêm, công trình giàn nén khí Rồng-Đồi Mồi khi đi vào hoạt động, mỗi ngày sẽ đưa vào bờ một lượng khí có giá trị khoảng 155.000 USD (tương đương 56,5 triệu USD/năm), mà hiện nay đã và đang phải đốt bỏ.

Giàn nén khí Rồng- Đồi Mồi là một dự án có qui mô đầu tư lớn, kỹ thuật phức tạp, đòi hỏi độ chính xác cao. Công nghệ hoàn toàn giống như giàn nén khí Trung tâm của mỏ Bạch Hổ đã được xây dựng cách nay hơn 15 năm. Trước đây, toàn bộ công việc xây dựng giàn nén khí Trung tâm mỏ Bạch Hổ: từ khâu thiết kế, chế tạo, mua sắm thiết bị, thi công lắp đặt đều do tổ hợp nhà thầu nước ngoài thực hiện trong vòng 24 tháng…

Một công trình, hai kỷ lục

Tuy nhiên, với đội ngũ lao động có trình độ kỹ thuật cao, có kinh nghiệm gần 30 năm hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, và sau 15 năm tham gia vận hành giàn nén khí Trung tâm của Mỏ Rồng, Xí nghiệp Liên doanh dầu khí VSP đã được Tập đoàn Dầu khí Quốc gia tin tưởng giao làm tổng thầu công trình giàn nén khí Rồng Đồi mồi. Ngày 5/3/2010, tại khu căn cứ dịch vụ tổng hợp bờ, Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí VSP đã tiến hành khởi công chế tạo phần chân đế và khối thượng tầng.

Theo KH ban đầu, dự kiến công trình sẽ đi vào vận hành tháng 05/2011. Song ngay từ khi nhận nhiệm vụ, tập thể lao động VSP đã quyết tâm nỗ lực phấn đấu để có thể đưa vào vận hành trong quý 4/2010, tức không quá 21 tháng kể từ ngày bắt đầu triển khai các công đoạn đầu tiên của dự án (31-3-2009).

Với sự chỉ đạo quyết liệt và sâu sát của Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, với những giải pháp sáng tạo của đội ngũ cán bộ, kỹ sư trực tiếp thi công, vào 9h00 ngày 30/11/2010 dòng khí đầu tiên đã được đưa vào GNR để phục vụ công việc thử nghiệm và hiệu chỉnh toàn bộ thiết bị trên giàn. 21h00 ngày 08/12/2010, dòng sản phẩm đầu tiên từ giàn nén khí GNR đã hòa cùng hệ thống gaslift của mỏ Rồng – Đồi Mồi và Bạch Hổ, đi vào bờ.

Vươn tầm quốc tế

Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Tổng Giám đốc Xí nghiệp liên doanh dầu khí VSP cho biết thêm: “VSP đã tập trung mọi lực lượng đẩy mạnh tiến độ  xây dựng và chúng tôi đã hoàn thành việc thiết kế, chế tạo và thi công lắp đặt đúng tiến độ, đạt chất lượng Quốc tế. Chúng tôi thực hiện công trình này không thua kém bất cứ một nhà thầu nước ngoài nào, thậm chí còn thực hiện tốt hơn”.

Thời gian thực hiện công trình Giàn nén khí Rồng- Đồi Mồi  là chưa đầy 21 tháng, rút ngắn 5 tháng so với kế hoạch và nhanh hơn thời gian các nhà thầu nước ngoài thi công giàn nén khí Trung tâm 3 tháng, tiết kiệm cho Nhà nước hơn 20 triệu USD. Đây là một kỷ lục mới về tốc độ triển khai và phối hợp giữa các bên chủ đầu tư và nhà thầu trong việc thực hiện dự án.

Điều này cũng khẳng định sự lớn mạnh vượt bậc của tâp thể lao động kỹ thuật của VSP trong việc thực hiện những công trình kỹ thuật, đạt chất lượng tiêu chuẩn quốc tế, không thua kém các công trình do nhà thầu nước ngoài thi công.

Quay lại

Bài liên quan

Bạn có thể quan tâm

XEM NHIỀU