Dự án thu gom khí mỏ Rồng – Ðồi Mồi

Giữa năm 2008, trong khi làm quy hoạch bổ sung, điều chỉnh sơ đồ công nghệ khai thác dầu tại mỏ Rồng - Ðồi Mồi, các kỹ sư và chuyên gia của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đã phát hiện ra rằng: Sau khi đi vào vận hành, lượng khí đồng hành phát sinh ở khu vực này khá lớn, khoảng 328 triệu m3 mỗi năm (tương đương 328 nghìn tấn dầu thô, trị giá khoảng 70 triệu USD). Lượng khí này nếu không được thu gom thì sẽ phải đốt bỏ, gây lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Nhưng nếu thu gom thì phương án đầu tư phải như thế nào để có hiệu quả kinh tế? Ðó là câu hỏi không dễ trả lời vì thiết bị công nghệ để xử lý thu gom khí thường đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu và vận hành khá cao. Bằng ý thức trách nhiệm của mình, Xí nghiệp Liên doanh đã chủ động cùng với Tổng công ty Khí Việt Nam bàn bạc, phân tích, lập nhiều phương án thu gom sơ bộ khác nhau để lựa chọn, báo cáo và đã được Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cho phép triển khai Dự án. Ngày 10-12-2008, hợp đồng chìa khóa trao tay 'Dự án thu gom khí đồng hành và gaslift mỏ Rồng - Ðồi Mồi' đã được ký kết giữa Vietsovpetro và Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGas). Trong đó, thời gian hoàn thành Dự án được ấn định là ngày 30-5-2011. Xác định được tầm quan trọng của Dự án trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tài nguyên và bảo vệ môi trường, Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro đã cùng với Chủ đầu tư đăng ký đây là công trình chào mừng Ðại hội toàn quốc lần thứ XI của Ðảng và được Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam chấp thuận. Ðây là vinh dự và cũng là thách thức lớn đối với Tổng thầu Vietsovpetro và các bên liên quan, vì vừa phải bảo đảm hoàn thành Dự án với chất lượng và hiệu quả tốt nhất vừa phấn đấu 'về đích trước' tiến độ ít nhất 5 tháng để kịp chào mừng Ðại hội Ðảng.

Từ sự dám nghĩ, dám làm và quyết tâm cao độ đó, chỉ hơn một tháng sau khi ký hợp đồng, ngày 23-1-2009, tổng thầu Vietsovpetro đã hoàn thành báo cáo đầu tư và thiết kế cơ sở. Theo đó, quy mô của Dự án gồm: Một giàn nén khí (công suất 900.000 m3/ngày đêm) kết nối vào hệ thống khai thác dầu khí của Vietsovpetro ở mỏ Rồng và Bạch Hổ thông qua giàn RP-3 và năm tuyến ống ngầm với tổng chiều dài 42,5 km; tổng mức đầu tư là 149,6 triệu USD; thời gian hoạt động có hiệu quả là 25 năm; thời gian thu hồi vốn khoảng tám năm. Dự án được Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro giao cho Xí nghiệp khai thác các Công trình Khí chủ trì điều phối thực hiện. Viện Nghiên cứu khoa học và thiết kế của Vietsovpetro và Công ty Worley Parsons PetroVietnam cùng thực hiện phần thiết kế. Trong đó Vietsovpetro tự thực hiện thiết kế toàn bộ các đường ống ngầm, khối chân đế, kết cấu thượng tầng và các hạng mục phụ trợ của giàn nén khí với tổng khối lượng 2.860 tấn. Công ty Worley Parsons PetroVietnam thực hiện thiết kế chi tiết phần thiết bị công nghệ và kết nối với mô-đun máy nén khí. Ðể đẩy nhanh tiến độ, việc chuẩn bị mua sắm được tiến hành cùng với quá trình thiết kế. Từ sự phân chia hợp lý các gói thiết kế và mua sắm đã tạo ra những thuận lợi ban đầu để thực hiện Dự án ở các khâu tiếp theo. Ở giai đoạn thi công trên bờ, tinh thần vượt khó khăn, thi đua 'về đích trước', hoàn thành công trình trước 31-12-2010 để lập thành tích chào mừng Ðại hội toàn quốc lần thứ XI của Ðảng đã được Xí nghiệp Xây lắp của Vietsovpetro cùng các nhà thầu phụ thể hiện rõ nét và hết sức sinh động. Sau Lễ khởi công và phát động thi đua ngày 5-3-2010, với quyết tâm thực hiện bằng được lời hứa trước Ðảng và Nhà nước về bảo đảm tiến độ thi công công trình, các đơn vị đã triển khai ngay phần chế tạo trên bờ. Lúc này, bãi xây lắp của Xí nghiệp Liên doanh dày đặc các công trình xây dựng khác, gây nhiều khó khăn cho việc quản lý, điều hành, bố trí nhân lực và thiết bị dành cho Dự án. Các đơn vị thi công đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục như nhanh chóng bổ sung nhân lực, bố trí làm việc theo ba ca liên tục. Ðồng thời, lãnh đạo các đơn vị đã kịp thời khuyến khích và động viên các kỹ sư, công nhân thi đua lao động sáng tạo và có tinh thần dám nghĩ, dám làm, quyết tâm vượt khó để thi công công trình. Kết quả là, ngày 24-6-2010 khối chân đế đã được hạ thủy để lắp đặt trên biển; ngày 13-9-2010, khối thượng tầng đã hoàn thành và được lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cùng Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu gắn biển Công trình chào mừng Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ 11. Như vậy, các đơn vị xây lắp đã lập kỷ lục mới về thời gian chế tạo công trình trên bờ: Ba tháng cho khối chân đế và hơn năm tháng cho khối thượng tầng. Ở phần thi công trên biển, những diễn biến bất thường của thời tiết đã gây rất nhiều khó khăn cho việc đẩy nhanh tiến độ Dự án. Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro và các nhà thầu đã kiên trì bám biển, tranh thủ mọi cửa sổ thời tiết cho phép để thực hiện các phần việc liên quan. Ðặc biệt, quá trình rải ống ngầm, lắp đặt các ống đứng, khối chân đế và kết nối chạy thử thường chiếm nhiều thời gian thi công trên biển nên đã được kiểm soát chặt chẽ về tiến độ và chất lượng. Tất cả mọi cố gắng đó đã làm nên một điều thần kỳ là: Dự án đã được thành công, rút ngắn tiến độ so với kế hoạch ban đầu là 5 tháng 22 ngày. Ðúng vào lúc 21 giờ ngày 8-12-2010 dòng sản phẩm đầu tiên từ giàn nén khí mỏ Rồng - Ðồi Mồi đã chính thức hòa cùng hệ thống gaslift mỏ Rồng - Ðồi Mồi và Bạch Hổ. Với sự kiện này, lại một lần nữa Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro lập thêm một kỷ lục mới về tiến độ xây dựng công trình biển. Với việc rút ngắn tiến độ của Dự án gần 6 tháng và đưa công trình sớm vào vận hành, ngay lập tức đã mang lại 34 triệu USD từ nguồn khí thu gom và khoảng 8 triệu USD tiền doanh thu từ việc sớm nhận khí từ hệ thống Fast track. Ðiều này đã khẳng định Dự án có thể nhanh chóng thu hồi vốn và sẽ đạt hiệu quả kinh tế cao hơn mức tính toán ban đầu. Ðây cũng chính là hình mẫu của một dự án về thực hành tiết kiệm vốn đầu tư và tài nguyên đất nước. 'Dự án thu gom khí đồng hành và gaslift mỏ Rồng - Ðồi Mồi - Công trình chào mừng Ðại hội toàn quốc lần thứ XI của Ðảng' không chỉ vượt tiến độ, tiết kiệm, mang lại nhiều lợi ích cho chủ đầu tư mà còn là một công trình đạt chất lượng cao và an toàn tuyệt đối. DNV, một trong những hãng đăng kiểm lớn và uy tín hàng đầu trên thế giới, đã kiểm soát chất lượng toàn bộ và cấp chứng chỉ bảo đảm chất lượng cho tất cả các giai đoạn của Dự án. Về an toàn sản xuất cũng được kiểm soát tốt và bảo đảm tuyệt đối, tính đến ngày Dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro và các nhà thầu phụ đã thực hiện được 1,2 triệu giờ công lao động an toàn. Thành công của dự án này, không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường cho chủ đầu tư, cho đất nước, mà còn chứng tỏ năng lực của các nhà thầu trong nước Quay lại

Bài liên quan

Bạn có thể quan tâm

XEM NHIỀU