Định hướng thiết kế, xây dựng hệ thống tương tác, trải nghiệm trong trưng bày bảo tàng – Phần 1

Thiết kế và triển khai trưng bày bảo tàng đã và đang thay đổi trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của triển lãm, bảo tàng.
A museum that offers a wide variety of natural history exhibitions and interactive scientific experiences

Thiết kế và triển khai trưng bày bảo tàng đã và đang thay đổi trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của triển lãm, bảo tàng. Một trong những biến chuyển về phương thức hoạt động của các triển lãm, bảo tàng ngày nay đang trong giai đoạn chuyển từ hình thái triển lãm, bảo tàng truyền thống sang hình thái triển lãm, bảo tàng tin học, điện tử hóa (Bảo tàng số). Tuy nhiên, việc triển khai thiết kế và xây dựng hệ thống triển lãm, bảo tàng số còn rất mới mẻ ở Việt Nam và trên thế giới. Do đó, việc xác định cách tiếp cận, lựa chọn giải pháp và công nghệ sử dụng cần nhiều những nghiên cứu, đánh giá thực tế. Trên cơ sở các nghiên cứu đã có và trải nghiệm thực tế, nghiên cứu này tổng hợp và phân tích các yếu tố, công nghệ phục vụ thiết kế, xây dựng hệ thống tương tác, trải nghiệm và đề xuất mô hình ứng dụng để giúp các đơn vị quản lý triển lãm, bảo tàng trong nước có sự tham khảo cho quá trình xây dựng bảo tàng số ở Việt Nam.

PHẦN 1 – SỰ THAY ĐỔI TRONG CÁCH THỨC TRƯNG BÀY BẢO TÀNG, TRIỂN LÃM


1.1. Xác định đối tượng và phân loại thông tin của trưng bày

1.1.1. Xác định đối tượng trưng bày

Hầu hết các bảo tàng tại Việt Nam và trên thế giới được xây dựng theo cách tiếp cận truyền thống, lấy hiện vật làm trung tâm trưng bày. Đây là cách trưng bày giúp truyền tải thông điệp một cách chân thực và khách quan, giúp du khách có thể “tận mắt” nhìn thấy hình dáng của thông tin trưng bày. Tuy nhiên, cách trưng bày này sau một thời gian cũng đã bộc lộ các hạn chế như sau:

  • Mất rất nhiều thời gian và công sức trong công tác nghiên cứu, sưu tầm.
  • Hiện vật phục vụ trưng bày bị ảnh hưởng bởi môi trường và thời gian nên công tác bảo quản rất tốn kém và phức tạp.
  • Đa số các hiện vật lưu giữ được đều không đầy đủ dẫn đến việc sắp đặt và giới thiệu hiện vật bị rời rạc, thiếu thông tin, gây khó khăn cho người xem nắm bắt toàn bộ nội dung trưng bày.
  • Trưng bày hiện vật chủ yếu quan tâm đến trưng bày về số lượng chứ chưa có sự phân loại và chọn lọc thông tin cung cấp cho người xem một cách khoa học dẫn đến tình trạng thông tin bị thiếu và rời rạc.
  • Cách trưng bày lấy hiện vật làm trung tâm là cách trưng bày tĩnh, theo chủ ý chủ quan của trưng bày. Đây là cách tiếp cận một chiều làm hạn chế khả năng tìm hiểu, thăm quan, tiếp cận thông tin của du khách đối với kho dữ liệu lưu trữ của trưng bày. Đồng thời, cách tiếp cận này gây sự nhàm chán cho du khách thăm quan.
  • Bản thân hiện vật không thể cung cấp thông tin một cách đầy đủ và sinh động thông tin chứa đựng trong nó. Do đó, với những du khách chưa có nhiều kiến thức, chuyên môn về hiện vật sẽ gặp nhiều khó khăn khi tìm hiểu thông tin.
  • Mặt khác tính thẩm mỹ trong trưng bày cũng bị hạn chế rất lớn do yếu tố tôn trọng trạng thái hiện vật trưng bày. Trong khi thị hiếu của du khách đa số mong muốn được xem, cảm nhận trưng bày qua nhiều giác quan như thị giác, xúc giác một cách trực quan, sinh động.

Công cuộc đổi mới cách thức trưng bày bảo tàng đã được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây. Điều này xuất phát từ sự bùng nổ thông tin trong thời đại công nghệ thông tin. Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, thông tin trở nên dễ dàng tiếp cận hơn bao giờ hết. Với sự bùng nổ thông tin ngày nay, du khách thường bị thu hút bởi những thứ tạo nên cảm giác thích thú như mầu sắc, âm thanh, hình ảnh. Việc tìm hiểu thông tin sẽ được thực hiện sau khi du khách trải qua cảm thấy ấn tượng và thích thú ban đầu.

Cách thức trưng bày truyền thống có nhiều hạn chế đã cho thấy sự không phù hợp với thị hiếu của du khách khi đến thăm quan. Du khách đến thăm quan trưng bày cần cảm nhận được sự mới mẻ, hấp dẫn trong cách trưng bày. Đồng thời, du khách mong muốn có thể tiếp cận một cách đầy đủ các thông tin về trưng bày cũng như “Hiểu” những “Câu chuyện” gắn liền với trưng bày. Chính điều này đã đòi hỏi cần có một cách tiếp cận mới trong việc lựa chọn đối tượng trưng bày. Thay vì lấy hiện vật làm trung tâm, cần lựa chọn những “Câu chuyện” muốn truyền đạt đến du khách, từ đó lựa chọn những hiện vật, cách thức sắp đặt và hiển thị tạo cảm giác thích thú cho người xem cũng như mở rộng khả năng tiếp cận, tương tác với thông tin của du khách.

Bên cạnh sự thay đổi nhu cầu tìm hiểu thông tin, đối tượng thăm quan bảo tàng, trưng bày cũng ngày càng mở rộng và đa dạng. Du khách thăm quan rất đa dạng không chỉ về độ tuổi, nghề nghiệp, tôn giáo mà thậm chí cả thói quen, thời gian dành cho thăm quan. Do đó, bên cạnh việc lựa chọn “Câu chuyện” để truyền đạt thì việc phân loại thông tin truyền đạt và cách thức truyền đạt cũng thay đổi để phù hợp với từng nhóm đối tượng du khách và sự đa dạng trong từng nhóm du khách.

1.1.2. Phân cấp thông tin trong trưng bày

Dựa trên những kết quả nghiên cứu và thực tiễn tại một số bảo tàng trên thế giới, thông tin trưng bày nên được phân loại theo các cấp độ như sau:

Cấp độ 1: Tất cả du khách "nắm được", "hiểu được" thông điệp chính mà nội dung đề cập ở mỗi khu vực trưng bày - thậm chí nếu họ không đọc bất cứ dòng chú thích, bài viết nào, hay trải nghiệm bất cứ sắp xếp nào, trừ việc lướt qua, nhìn,  cảm nhận được và có cảm xúc.

Cấp độ 2: Hướng tới những người tò mò và những người muốn dừng lại để tham gia trải nghiệm nhiều hơn về tình huống đang được tái hiện trong mỗi mỗi câu chuyện nhỏ. Du khách -những người tham gia vào trải nghiệm và tò mò sẽ nhàn nhã rảo khắp trưng bầy, xem xét các bức ảnh, đoạn phim và đọc vài chú thích.

Cấp độ 3: Dành cho một phần nhỏ du khách, những người thật sự muốn "đào sâu thông tin" nội dung. Những người này có hiểu biết về đề tài mà trưng bày đề cập, họ quan tâm đến từng chi tiết nhỏ, và có thể là muốn sau khi tham quan xong, trở về nhà, họ sẽ tiếp tục nghiền ngẫm, tìm hiểu nhiều hơn về chủ đề có liên quan đến trưng bày mà họ vừa được xem.

Tổng hợp các cấp độ thông tin trong mối tương quan với đối tượng, hiện vật và nội dung trưng bầy, mô hình phân cấp thông tin trong trưng bày có thể được thể hiện như mô hình dưới đây:

Mô hình phân cấp thông tin trong trưng bày bảo tàng số

Ghi chú: TT – Thông tin thuộc tính của đối tượng trưng bày

1.2. Tăng cường tính tương tác, trải nghiệm nhờ ứng dụng công nghệ thông tin trong trưng bày

1.2.1. Khái quát chung

Trong thời gian vừa qua, với sự phát triển của khoa học, lĩnh vực công nghệ thông tin đã đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc. Các thiết bị nghe nhìn có thể tạo ra môi trường trưng bày thực sự hấp dẫn, mới mẻ. Với khả năng lưu trữ của máy tính, trưng bày có thể hiển thị thông tin đầy đủ nhất, đa kênh nhất về một hiện vật, đối tượng. Có thể nói rằng, các giá trị phi vật thể được hòa quyện trong hình ảnh thực tại sẽ giúp cho khách tham quan có cái nhìn chính xác, chân thực và toàn diện về môi trường vốn gắn bó với di tích, cùng những giá trị sử dụng của nó.

Mặt khác, với thông tin số hóa và máy móc, thiết bị kĩ thuật truyền thông hiện đại, khách tham quan trưng bày không còn bị bó hẹp trong gian phòng trưng bày và cách sắp đặt trưng bày mà thực sự được đến với hệ thống trưng bày như một phần của chính nó nhờ khả năng cho phép du khách được tham gia vào các hoạt động tương tác, trải nghiệm trong trưng bày. Khách tham quan có thể tự do lựa chọn nội dung từ tổng thể đến các nội dung trưng bày thành phần, đa dạng, tùy thuộc vào sự lựa chọn, cách tương tác và trải nghiệm của họ lên hệ thống các chương trình dựng sẵn.

Đồng thời, người quản lý nội dung trưng bày cũng có thể tùy ý thay đổi cách thức tiếp cận và hiển thị thông tin qua hệ thống công nghệ thông tin một cách nhanh chóng, dễ dàng nếu thấy nhu cầu truy xuất thông tin của du khách thay đổi theo thời gian và không gian. Điều này tỏ ra rất hiệu quả vì tính đang dạng theo theo độ tuổi, trình độ nhận thức và mục đích đến bảo tàng mà mỗi đối tượng khách tham quan.

1.2.2. Các loại hình tương tác trong trưng bày

Tương tác, trải nghiệm trong trưng bày được hiểu theo cách đơn giản nhất đó chính là cho phép du khách được “Sờ”, “Chạm” vào hiện vật hoặc thông tin của trưng bày theo ý thích riêng của mỗi cá nhân. Ở một cấp độ cao hơn thì tương tác, trải nghiệm còn cho phép du khách được “Hòa mình” và trở thành một phần hoặc thậm chí trở thành trung tâm của trưng bày.

Tùy theo mức độ, cách thức và khả năng hỗ trợ của hệ thống công nghệ thông tin của mỗi trưng bày, khả năng tương tác, trải nghiệm của du khách có thể được phân loại theo các loại hình như sau:

  • Tương tác theo không gian: Nhờ bố trí các thiết bị tương tác (màn hình tương tác, thiết bị điều khiển, camera nhận diện chuyển động, thiết bị hiển thị hình ảnh) cố định xem kẽ các hiện vật và các thông tin chỉ dẫn trong từng khu vực của trưng bày sẽ cho phép du khách tìm kiếm, truy xuất thông tin theo từng chủ đề, khu vực của trưng bày. Với sự hỗ trợ của thiết bị cá nhân (điện thoại thông minh, hệ thống định vị) và phần mềm quản lý tập trung, khả năng tương tác của du khách có thể được mở rộng từ từng khu vực trong trưng bày đến bao trùm tất cả không gian trưng bày. Mặt khác, nhờ sự chia sẻ thông tin qua môi trường mạng Internet và các thiết bị nghe nhìn hiện đại, du khách thậm chí không cần đến bảo tàng mà vẫn có thể thăm quan bảo tàng nhờ công nghệ thực tế ảo (Ar và Vr) tại bất kỳ đâu trên thế giới.
  • Tương tác theo thời gian: Nhờ khả năng lập lịch cũng như sự đồng bộ của các hệ thống hiển thị hình ảnh, âm thanh, ánh sáng mà cách thức, chủ đề trong trưng bày còn có thể thay đổi theo thời gian (ngày, tháng, mùa). Khi du khách đến thăm quan ở hai thời điểm khác nhau sẽ được tiếp cận, tương tác với trưng bày theo những cách hoàn toàn khác nhau. Việc này hoàn toàn do hệ thống lập trình sẵn với sự hỗ trợ tùy biến của thiết bị hiện đại mà không cần phải mất công xây dựng lại từ đầu.
  • Tương tác theo nhu cầu của du khách: Với sự hỗ trợ của thiết bị cá nhân cũng như hệ thống phần mềm, du khách có thể hoàn toàn xây dựng cho mình một lộ trình thăm quan, trải nghiệm theo sở thích và nhu cầu cá nhân. Mỗi sở thích, nhu cầu và khả năng của du khách sẽ được hệ thống gợi ý một lộ trình thăm quan phù hợp với lượng thời gian phù hợp nhất. Lúc này, du khách đã trở thành trung tâm của trưng bày.

1.3. Một số ví dụ về bảo tàng số sử dụng cung cấp hệ thống tương tác, trải nghiệm cho du khách

Theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin số hóa, trên thế giới và khu vực đã xây dựng những hệ thống trưng bày tương tác, trải nghiệm hiện đại. Có thể liệt kê ở đây một số điển hình về các bảo tàng, trưng bày điển hình như:

Bảo tàng Quốc gia Singapore - Singapore
Bảo tàng Quốc gia Singapore - Singapore
Bảo tàng tình báo Berlin, Đức
Bảo tàng tình báo Berlin, Đức
Bảo tàng tình báo Berlin, Đức
Bảo tàng Quốc gia Chiến tranh Thế giới II – Hoa Kỳ
Bảo tàng Quốc gia Chiến tranh Thế giới II – Hoa Kỳ

Tương tác, trải nghiệm trong trưng bày được hiểu theo cách đơn giản nhất đó chính là cho phép du khách được “Sờ”, “Chạm” vào hiện vật hoặc thông tin của trưng bày theo ý thích riêng của mỗi cá nhân. Ở một cấp độ cao hơn thì tương tác, trải nghiệm còn cho phép du khách được “Hòa mình” và trở thành một phần hoặc thậm chí trở thành trung tâm của trưng bày.

Copyright © Truetech.com.vn

Quay lại

Bài liên quan

Bạn có thể quan tâm

XEM NHIỀU