fbpx

Sử liệu về biến cố cuộc đời ông Ngô Đình Diệm lần đầu được trưng bày

Bà Trần Thị Ngọc Diệp – Giám đốc Hội trường Thống Nhất (TP HCM) cho biết, đơn vị đã hoàn tất cho sự kiện trưng bày Từ dinh Norodom đến dinh Độc Lập 1868-1966 diễn ra sáng 9/3.
Đây là kết quả ba năm nghiên cứu, thực hiện của Hội trường Thống Nhất với sự cố vấn từ các chuyên gia sử học, bảo tàng như: TS. Nguyễn Văn Huy, TS. Lê Thị Minh Lý (Hội đồng Di sản quốc gia), GS sử học người Mỹ Edward Miller.
“Trưng bày lần này được tập hợp từ hàng trăm tài liệu, hình ảnh, được xem là quy mô nhất từ trước đến nay về lịch sử dinh Độc Lập, đặc biệt trong giai đoạn 1868 đến 1966 vốn ít người biết đến. Đây là dự án nhằm đổi mới công tác thuyết minh, nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu của du khách trong nước và quốc tế”, bà Diệp cho hay.

dinh Độc Lập
Bà Trần Lệ Xuân (vợ ông Ngô Đình Nhu – cố vấn Tổng thống Ngô Đình Diệm) kiểm tra dinh Norodom sau khi bị đánh bom ngày 27/2/1962. Ảnh: LIFE.
Tái hiện không gian Sài Gòn xưa
Không gian trưng bày nằm trọn trong căn biệt thự cổ thuộc khuôn viên dinh Độc Lập ở mặt đường Nguyễn Du (quận 1) – từng là trụ sở làm việc của Đảng Dân chủ dưới thời Đệ nhị Việt Nam Cộng hòa.
Ở tầng trệt, nhiều hình ảnh quý về dinh Norodom – nơi ở và làm việc của Thống đốc Nam Kỳ được chính quyền Pháp xây dựng từ năm 1868 được công bố. Một bức ảnh lớn về căn phòng trong dinh Thống đốc được phóng lớn trên tường, tạo cảm giác cho người xem như được đứng trong không gian hơn một thế kỷ trước.
Bên trong, bốn màn hình lớn chiếu các bộ phim được lắp ghép từ những hình ảnh, tư liệu, giúp người xem hình dung quá trình từ khi đặt viên đá đầu tiên xây dựng dinh Norodom, đến ngày bị ném bom làm sập toàn bộ phần chính cánh trái.
Không gian, cuộc sống của người Sài Gòn một thời cũng được tái hiện sinh động. Du khách có thể vừa xem hình ảnh, vừa nghe thuyết minh, vừa cảm nhận những âm thanh náo động của đường sá, phố phường của Sài Gòn xưa.
Hành lang khá nhỏ dưới tầng trệt được tận dụng để trưng bày hình ảnh, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của những danh nhân ở miền Nam như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn An Ninh.
Cuộc đời người đặt tên cho dinh Độc Lập
Ở tầng hai, từ cầu thang đến cánh cửa căn phòng được dùng để giới thiệu diễn biến của cuộc đời Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm, từ ngày làm quan nhà Nguyễn thời vua Bảo Đại rồi trở thành tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa.
Ông Diệm là người đổi tên dinh Norodom thành dinh Độc Lập, khởi xướng xây dựng dinh, nhưng không được sống ở đây một ngày nào.
dinh Độc Lập
Giáo sư sử học Edward Miller tại khu trưng bày. Ảnh: Mạnh Tùng.
Bước vào căn phòng, người xem sẽ thấy bức ảnh gia đình ông Ngô Đình Diệm nằm trọn trên bức tường, kế bên là gia phả dòng họ Ngô Đình. Nhiều hình ảnh, tư liệu cuộc đời người thân của ông Ngô Đình Diệm như: Ngô Đình Khả, Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn, bà Trần Lệ Xuân… được sắp xếp theo diễn tiến lịch sử.
Sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tẩm xăng tự thiêu ngày 11/6/1963 ở Sài Gòn để phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm, bản chép tay tâm nguyện của ông trước lúc tự thiêu… là điểm nhấn trong căn phòng trưng bày này. Từ đó, dẫn người xem đến câu chuyện Ngô Đình Diệm bị đảo chính lần hai, rồi bị ám sát.
Nhiều sử liệu quý từ nước ngoài
Giáo sư sử học Edward Miller – tác giả cuốn sách “Liên minh sai lầm, Mỹ, Ngô Đình Diệm và số phận Nam Việt Nam” – đóng góp nhiều hình ảnh và tư liệu quý cho trưng bày gia đình Ngô Đình Diệm. Nguồn sử liệu của ông được thu thập ở nhiều trung tâm lưu trữ tại Việt Nam, Mỹ và Pháp.
“Chúng tôi muốn mang đến sự diễn giải lịch sử cho người xem chứ không phải chỉ đơn thuần là tái hiện sự kiện. Bởi bạn phải hiểu lịch sử trong một bối cảnh cụ thể, không phải là những khoảng thời gian đơn lẻ”, giáo sư Edward Miller nói.
Diễn biến sau khi ông Ngô Đình Diệm bị lật đổ, phải chạy đi lánh nạn cùng em trai Ngô Đình Nhu, được Edward Miller và cộng sự thực hiện trực quan bằng sơ đồ Sài Gòn khi đó cùng những mốc thời gian cụ thể.
“Tôi đặc biệt thích các hình ảnh và câu chuyện của nó. Mỗi hình ảnh mang một thông điệp khác nhau. Chúng tôi hy vọng người xem sẽ học và hiểu về lịch sử một cách dễ hiểu nhất sau một vòng trưng bày”, Edward Miller chia sẻ.
Theo sát dự án từ năm 2012 đến nay, TS Lê Thị Minh Lý (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) đã cùng nhóm công tác của Hội trường Thống Nhất sang Mỹ để sưu tầm tài liệu trong ba tuần tại nhiều trung tâm lưu trữ và bảo tàng. Chuyến đi đã mang về nhiều tư liệu rất quý, sẽ mang đến những hình ảnh chưa từng biết đến với nhiều người Việt Nam.
“Ngoài nội dung, hình ảnh, chúng tôi rất chăm chút về mặt mỹ thuật. Cách phối màu, cách bố trí hình ảnh, mật độ trưng bày, kiểu chữ… được chuẩn bị chu đáo để đem đến cảm giác dễ chịu và sự tiếp nhận tốt nhất cho người xem”, TS. Lê Thị Minh Lý cho biết.
dinh Đôc Lập
Căn biệt thự cổ trong khuôn viên dinh Độc Lập, nơi sẽ diễn ra trưng bày “Từ dinh Norodom đến dinh Độc Lập 1868-1966”. Ảnh: Mạnh Tùng.
Trưng bày Từ dinh Norodom đến dinh Độc Lập 1868-1966 mở cửa miễn phí cho trong hai tuần đầu. Tiếp đó, Hội trường Thống Nhất sẽ duy trì trưng bày ít nhất ba năm để nhiều người có cơ hội tiếp cận những sử liệu quý hiếm này.

Năm 1868, chính quyền Pháp cho thiết kế và xây dựng tại trung tâm Sài Gòn một dinh thự làm nơi ở cho Thống đốc Nam kỳ, khi xây xong có tên gọi là Dinh Norodom. Từ 1887 đến 1945, nhiều đời toàn quyền Pháp đã sử dụng dinh thự này làm nơi ở và làm việc trong suốt thời kỳ xâm lược Ðông Dương.
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm Ðông Dương. Dinh Norodom là nơi làm việc của chính quyền Nhật ở Việt Nam. Tháng 9 năm đó Nhật thất bại trong chiến tranh thế giới thứ hai, Pháp trở lại chiếm Nam Bộ, dinh là trụ sở làm việc của bộ máy chiến tranh của Pháp.
Năm 1954, Pháp rút khỏi Việt Nam sau Hiệp định Gienève. Ngày 26/10/1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm truất phế Quốc trưởng Bảo Đại, thành lập chính quyền Việt Nam Cộng hòa và lên làm Tổng thống. Dinh trở thành nơi ở của gia đình Ngô Ðình Diệm và là nơi chứng kiến nhiều biến cố chính trị.
Ngày 27/2/1962, phe đảo chính đã cử hai viên phi công quân đội Sài Gòn là Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc lái hai máy bay AD6 ném bom làm sập toàn bộ phần chính cánh trái của dinh. Do không thể khôi phục, Ngô Ðình Diệm đã cho san bằng và xây một dinh thự mới ngay trên nền đất cũ theo đồ án thiết kế của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ.
Công trình đang xây dựng thì Ngô Ðình Diệm bị phe đảo chính ám sát ngày 2/11/1963. Tổng thống Đệ nhị Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu là chủ tọa lễ khánh thành và sống ở nơi này từ tháng 10/1967 đến tháng 4/1975.
Ngày 30/4/1975, xe tăng của quân giải phóng tiến vào dinh Ðộc Lập. Lá cờ mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được cắm trên nóc dinh, đánh dấu ngày thống nhất đất nước.
Dinh Độc Lập được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia, hiện do Hội trường Thống Nhất (đơn vị thuộc Văn phòng Chính phủ) quản lý.

Mạnh Tùng

Spread the love
Quay lại

Bài liên quan

XEM NHIỀU