Cụm Dự án Khí – Điện – Đạm Cà Mau và Cụm Dự án Khí – Điện Nhơn Trạch; “Hệ thống Năng lượng sạch và chiếu sáng quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK” là những công trình trọng điểm, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng
Đây là 2 trong số 10 công trình thanh niên tiêu biểu nhiệm kỳ 2007-2012 vừa được Trung ương Đoàn tuyên dương tại Festival “Sáng tạo trẻ” 2012. Ngoài ra, công trình thanh niên “Thiết kế chi tiết hệ thống công nghệ và kết cấu khối thượng tầng của giàn nhẹ BK16 bằng phần mềm Smart Marine” của Đoàn Liên doanh Việt – Nga (Vietsovpetro) được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải Đề án, sáng kiến, sản phẩm sáng tạo tiêu biểu toàn quốc 2012.
Tiết kiệm 100 triệu USD
Cụm Dự án Khí – Điện Nhơn Trạch gồm 2 dự án: Nhà Máy Điện Nhơn Trạch 1 và Nhơn Trạch 2. Nhà máy Điện Nhơn Trạch 1 với công suất 450MW, hoàn thành vào năm 2009 và được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ra quyết định công nhận công trình thanh niên chào mừng kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2 công suất 750MW. Theo kế hoạch, công trình Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2 sẽ được thực hiện trong thời gian 31 tháng. Tuy nhiên, chỉ sau 29 tháng triển khai, công trình đã được hoàn thành, đưa vào vận hành thương mại, sớm hơn 45 ngày so với hợp đồng đã được ký kết. Trong quá trình chạy thử và vận hành thương mại chu trình đơn, nhà máy đã phát lên lưới điện Quốc gia gần 1 tỉ kWh điện, góp phần lớn vào việc giảm thiểu sự thiếu hụt điện năng trong mùa khô năm 2011. Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2 không chỉ vượt mức tiến độ mà còn giảm được gần 100 triệu USD, tiết kiệm gần 20% chi phí đầu tư.
Dự án năng lượng sạch trên quần đảo Trường Sa đã góp phần đảm bảo an ninh
năng lượng và chủ quyền biển đảo Việt Nam
Công trình “Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau” tổng kinh phí thực hiện hơn 1,2 tỉ USD, gồm 3 dự án: đường ống dẫn khí khai thác từ mỏ PM3; Nhà máy Điện Cà Mau 1, Cà Mau 2; Dự án thứ ba là Nhà máy Đạm công suất 800.000 tấn/năm.
Ngay tại buổi lễ khởi công các công trình này, tuổi trẻ Dầu khí đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “4 nhất”: Sáng tạo nhất, Chất lượng cao nhất, Tiến độ nhanh nhất, An toàn nhất. Các đợt thi đua cao điểm gắn với các mốc tiến độ quan trọng của công trình như: lắp đặt turbine, đánh lửa, lần đầu tiên hòa lưới điện Quốc gia… do Ban Chỉ đạo công tác thanh niên Trung ương Đoàn phát động.
Theo nhận định của Bí thư đoàn Tập đoàn Nguyễn Quốc Thịnh: “Chúng ta đều biết rằng, công trình trọng điểm Quốc gia Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau, Cụm Khí – Điện Nhơn Trạch là công trình đòi hỏi yêu cầu cao về kỹ thuật công nghệ, tay nghề. Trong quá trình thi công, giám sát, bên cạnh việc thi công, giám sát đúng thiết kế, tuổi trẻ trên công trình còn không ngừng phát huy tính sáng tạo, cùng với chuyên môn đề xuất những giải pháp có tính ứng dụng thực tiễn cao, đáp ứng yêu cầu về tiến độ và làm lợi hàng trăm triệu đồng”. Điển hình, đội ngũ kỹ sư trẻ Liên doanh Vietssovpetro khi tham gia thiết kế thi công tuyến đường ống PM3 – Cà Mau đã có sáng kiến sử dụng phương pháp đẩy ống dẫn khí để tiến hành lắp đặt, hoàn thành 27km tuyến ống bờ đúng thời hạn.
Có thể khẳng định phong trào thi đua 4 nhất “Tiến độ nhanh nhất, Chất lượng cao nhất, Sáng tạo nhất, An toàn nhất” đã được các cơ sở Đoàn ngành Dầu khí triển khai thành công trên 2 cụm công trình khổng lồ này, đạt hiệu quả kinh tế to lớn.
Vì Trường Sa thân yêu
Thời gian hoàn thành dự án 11 tháng; số lượng đoàn viên tham gia 110 đoàn viên và giá trị làm lợi khoảng 380 triệu đồng. Đó là những con số biết nói của Đoàn Thanh niên Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) hoàn thành tốt công trình thanh niên “Chế tạo, trung chuyển và lắp đặt các kết cấu thép” cho “Dự án Tổng thể Hệ thống năng lượng sạch và chiếu sáng cho Quần đảo Trường Sa và nhà dàn DK”. Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư hơn 437 tỉ đồng, trong đó hơn 37 tỉ cho giai đoạn thí điểm và 400 tỉ đồng cho giai đoạn tổng thể.
Quy mô dự án được triển khai lắp đặt tại 9 điểm đảo nổi, 24 điểm đảo chìm và 15 nhà dàn DK. Trong đó, hệ thống năng lượng sạch gồm 21 nhà trạm, 118 turbine gió, 4.039 tấm pin mặt trời 220W, 4.184 bình ắc quy 12V/230Ah, hệ thống cáp truyền tải và các phụ kiện khác. Hệ thống chiếu sáng bao gồm 610 bộ đèn được bố trí xung quanh 24 điểm đảo chìm, 15 nhà dàn, bố trí bổ sung xung quanh bờ kè và nội bộ 9 đảo nổi sử dụng nguồn năng lượng sạch từ turbine gió và pin mặt trời. Xây dựng và lắp đặt 19 nhà chòi canh trên 9 đảo nổi với hệ thống đèn pha cho phép quan sát rõ các mục tiêu ở cự ly 1.000m và nhìn thấy các mục tiêu xa hơn 1.000m.
Đoàn Thanh niên PTSC đã đăng ký thực hiện công trình Thanh niên phần thi công, trung chuyển và lắp đặt cho toàn bộ các cấu kiện cơ khí của dự án với tổng giá trị là 52,5 tỉ đồng. Dự án được triển khai giữa tháng 9-2009, hoàn thành đúng tiến độ quy định và đã tiến hành cắt băng khánh thành vào ngày 11/11/2010 tại Đảo Trường Sa Lớn thuộc Quần đảo Trường Sa.
Sáng tạo trên 3D
“Thiết kế chi tiết hệ thống công nghệ và kết cấu khối thượng tầng của giàn nhẹ BK16 bằng phần mền SM3D”, sản phẩm “Sáng tạo trẻ” của những kỹ sư trẻ Vietsovpetro. Công trình này là của nhóm tác giả trẻ Viện Nghiên cứu Khoa học và Thiết kế công trình Dầu khí biển (Viện NCKH&TK) thuộc Vietsovpetro.
Giàn nhẹ BK16 là giàn khai thác dầu khí được thiết kế với công suất 2.000 tấn/ngày đêm do Vietsovpetro làm chủ đầu tư. Giàn khai thác này sẽ được đặt tại Lô 09-1, thềm lục địa Việt Nam. Dự kiến sẽ đưa vào khai thác vào cuối năm 2013 hoặc đầu năm 2014. Đối với các giàn nhẹ tương tự như BK16 trước đây, Vietsovpetro phải thuê các công ty nước ngoài thiết kế phần hệ thống công nghệ trên khối thượng tầng. Năm 2011, lần đầu tiên Viện NCKH&TK nhận nhiệm vụ thiết kế toàn bộ giàn nhẹ BK16, trong đó có phần việc mô hình hóa khối thượng tầng, để từ đó xuất ra các bản vẽ thi công, do đội ngũ kỹ sư trẻ là đoàn viên thanh niên đảm nhận.
Anh Hoàng Phúc Long, Phó bí thư Đoàn Tập đoàn cho biết: Hệ thống công nghệ trên giàn BK16 là rất phức tạp. Nhận thấy được nếu thiết kế bằng phương pháp 2D truyền thống thì dự án sẽ không khả thi. Do đó lần đầu tiên các kỹ sư trẻ của Viện NCKH&TK nghiên cứu và áp dụng phần mềm thiết kế thông minh 3D (Smart Marine 3D) để thiết kế khối thượng tầng giàn BK16.
Phần mềm Smart Marine 3D (SM3D) hoạt động trong môi trường mạng, nên các kỹ sư thiết kế của nhiều bộ phận (đường ống, kết cấu, điện…) có thể cùng làm việc đồng thời trong một thời gian trên mô hình, do đó giảm rất nhiều thời gian thiết kế công trình và dễ dàng xử lý vấn đề thiết kế một cách nhanh chóng. Ngoài ra, từ mô hình thiết kế 3D ta có thể bóc tách ra được các danh mục vật tư, thiết bị một cách linh hoạt, chính xác để phục vụ cho khâu mua sắm. Đây là một vấn đề khó khăn thường gặp phải khi thiết kế các công trình bằng phương pháp 2D.
Sản phẩm đã tạo ra những lợi ích cao khi áp dụng vào thực tiễn. Căn cứ vào các hợp đồng thuê nhà thầu nước ngoài thiết kế cho các công trình tương tự như BK16 trước đây (giàn GTC1, MTC1 …), thì trị giá phần công việc lập mô hình thiết kế 3D cho hệ thống đường ống công nghệ và kết cấu thượng tầng khoảng 240.000USD. Như vậy, bên cạnh việc vẫn hoàn thành các công việc nhằm đảm bảo công tác sản xuất trên các giàn khai thác hiện tại của Vietsovpetro, với việc đội ngũ kỹ sư trẻ là đoàn viên thanh niên của Viện NCKH&TK đã thiết kế thành công toàn bộ hệ thống đường ống công nghệ và kết cấu thượng tầng giàn BK16 trên mô hình 3D đã tiết kiệm cho Vietsovpetro được khoảng 240.000USD.
Đức Chính
(Theo Petrotimes)
Quay lại