Các doanh nghiệp sản xuất thường phải đổi mặt với những khó khăn do tính chất phức tạp của quy trình vận hành ngày càng tăng và mối quan hệ ngày càng chặt chẽ với chuỗi cung ứng của mình. Thêm vào đó, thị trường thay đổi cũng khiến cho họ cũng phải phản ứng nhanh chóng để đáp ứng được những nhu cầu mới này.
Tuy nhiên với mỗi thay đổi trong quy trình, doanh nghiệp sản xuất thường tập hợp những yêu cầu chức năng của nhóm vận hành và chuyển tiếp cho phòng IT để chỉnh sửa hệ thống. Kết quả của phòng IT sẽ được chuyển lại cho nhóm vận hành để kiểm tra, chạy thử và tiếp tục chỉnh sửa nếu có sai sót. Đây là một quá trình lặp đi, lặp lại, mất công sức và thời gian nên thường khiến cho doanh nghiệp chậm bắt kip hoặc có thể để lỡ xu hướng mới của thị trường.
Để giải quyết những bất cập này, các học giả tại MDPI (https://www.mdpi.com/ ) đã nghiên cứu nhiều giải pháp khả thi để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của họ. Họ cho rằng nền tảng Low-Code chính là động lực thúc đẩy nhanh tiến trình này trong các ngành công nghiệp nói chung và ngành sản xuất nói riêng (https://www.mdpi.com/2076-3417/10/1/12 ).
Low-Code là một nền tảng giúp các doanh nghiệp có khả năng nhanh chóng xây dựng các quy trình vận hành trên những dữ liệu sẵn có từ nhiều nguồn khác nhau, bằng cách kéo thả mà không yêu cầu nhiều kiến thức lập trình chuyên sâu. Khả năng hỗ trợ mạnh mẽ này sẽ giúp các nhà vận hành sản xuất tạo ra các quy trình khác nhau, đồng thời có thể lưu trữ lại thành một bộ quy trình của doanh nghiệp (BPM – Business Process Management).
Với nền tảng Low-Code, doanh nghiệp có thể tạo ra những thay đổi trong quá trình hoạt động của mình một cách nhanh chóng và chính xác như sau:
- Đơn vị vận hành xây dựng quy trình mới và nêu ra những điểm nào cần thay đổi. Quá trình này thường dựa trên cơ sở của một quy trình cũ và xác định những điểm mới trong tương lai.
- Thay vì phải trải qua những công đoạn IT và viết hàng nghìn dòng code như thông thường, doanh nghiệp chỉ cần mô hình hóa quy trình bằng những biểu tượng hình ảnh đại diện cho các bước và luồng thông tin giữa quy trình và các nguồn dữ liệu khác nhau. Bước mô hình hóa này không cần phải người có kiến thức về lập trình hoặc kỹ năng IT mới làm được. Người thực hiện chỉ cần kéo thả các biểu tượng theo logic của quy trình đã được xây dựng.
- Mô phỏng quy trình vào vận hành và thay đổi bằng cách sử dụng các biểu tượng. Bước này cho phép người sử dụng có thể xem được quy trình trong điều kiện vận hành và thay đổi nếu cần trước khi áp dụng vào thực tế.
- Quy trình sau khi chạy thực tế sẽ được quản lý, theo dõi, thay đổi hoặc đánh giá hiệu quả. Doanh nghiệp có thể tạo ra nhiều biến thể của quy trình và toàn bộ lịch sử của những thay đổi này đều được lưu trữ như một dạng tài sản của doanh nghiệp.
Với khả năng thay đổi nhanh chóng, kết nối được với nhiều nguồn dữ liệu, thu hẹp được khoảng cách giữa những người làm chuyên môn vận hành (Xây dựng quy trình) và chuyên môn IT (Lập trình), nền tảng Low-Code đã được khẳng định là động lực thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp sản xuất ngày nay.
Tham khảo:
- “Business Process Management in a Manufacturing Enterprise”, Michael McClellan, nguồn https://www.cosyninc.com/pdf/BPM1.pdf
- “Low-Code as Enabler of Digital Transformation in Manufacturing Industry”, MDPI, nguồn https://www.mdpi.com/2076-3417/10/1/12