Quá độ chuyển qua áp dụng công nghệ 4.0 trong triển khai dự án EPC

Việc ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cùng với giá dầu giảm chưa từng có trong năm nay đã nhấn nút kích hoạt cho sự chuyển biến nhanh trên toàn thế giới về nhiều mặt của nhiều ngành công nghiệp, bài viết này đề cập tới cách mà các đơn vị EPC cần phải thích ứng với yêu cầu mới hiện nay để có thể tồn tại và phát triển.

Tại nhiều quốc gia, để phục hồi lại một phần của tốc độ phát triển kinh tế, các dự án EPC trong nước đã được chính phủ và các tập đoàn chủ động thúc ép cho triển khai. Do đó, họ đang đẩy nhanh việc xem xét, quyết định việc đầu tư và triển khai các dự án EPC. Trước đây thời gian xem xét, quyết định đầu tư dự án EPC phải mất tới hàng hàng năm, nay chỉ còn là vài tháng.

Do ảnh hưởng của đại dịch, phương thức làm việc cũng đã có thay đổi một cách nhanh chóng và chưa từng có. Việc nhiều đơn vị, tổ chức chuyển sang làm việc, học hành tại nhà là một ví dụ điển hình và rõ ràng nhất về những thay đổi bắt buộc và nhanh chóng này.

Nhìn lại thời điểm trước dịch Covid-19, chúng ta thấy rằng trong một thời gian dài, các quy trình triển khai dự án EPC cho nhà máy công nghiệp và các công tác quản lý liên quan khác đã không có nhiều thay đổi. Một trong các lý do chính là kỹ thuật và công nghệ sản xuất của các nhà máy (nhà máy lọc hóa dầu, năng lượng, hóa chất, công trình dầu khí…) không khác nhiều so với các nhà máy đã được xây nhiều năm trước đó. Điều này đã làm cho các đơn vị triển khai EPC (đơn vị mà các năm trước kia đã từng tiên phong trong việc áp dụng công nghệ thông tin trong thiết kế và quản lý dự án) đã rất chậm chạm trong việc cải tiến và đổi mới công nghệ triển khai EPC. Điều này khiến cho lĩnh vực triển khai dự án EPC ngày nay đang thua kém rất nhiều so với các ngành công nghiệp khác về áp dụng công nghệ mới, mức đầu tư phát triển công nghệ rất thấp cũng như tính cạnh tranh toàn cầu về công nghệ cũng rất kém.

Nhiều đơn vị EPC đã tự nhìn nhận rằng không có sự chuyển biến về hiệu quả, tăng năng suất thực sự và đáng ghi nhận nào trong suốt 20 năm qua. Ở nhiều đơn vị EPC, cũng đã có nhiều lần đề cập đến việc cần có chuyển biến về công nghệ nhằm cải thiện hiệu quả và tăng năng suất trong triển khai dự án, tuy nhiên thực tế họ cũng chỉ tập trung nguồn lực cho mục tiêu ngắn hạn là hoàn thành các dự án EPC đang triển khai sao cho có một mức lợi nhuận rất khiêm tốn - hoặc nhiều khi chỉ là cố sao cho không bị lỗ.

Những nguyên nhân khiến cho việc triển khai dự án kém hiệu quả cùng với việc các đơn vị EPC tụt hậu trong việc áp dụng công nghệ mới là rất khác nhau, tùy theo tính chất riêng của từng dự án EPC, của mỗi loại công trình/nhà máy hay phụ thuộc vào khu vực có môi trường kinh tế xã hội khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên, qua khảo sát thì tất cả đều có một số điểm chung chính sau đây:

  • Các đơn vị đã không sử dụng và khai thác triệt để công nghệ mà họ đã được trang bị để tăng hiệu quả và năng lực triển khai dự án EPC. Ví dụ như một đơn vị thiết kế công trình chỉ có áp dụng công cụ thiết kế 3D cho hệ thống đường ống mà bỏ qua việc áp dụng thiết kế 3D cho các chuyên ngành khác như kết cấu, điện, HVAC, … trong khi họ đã đươc trang bị đầy đủ hệ thống thiết kế 3D cho tất cả các chuyên ngành này. Khi đó, đã xảy ra nhiều sai sót và kém tối ưu trong thiết kế, thi công đối với không chỉ chuyên ngành khác nêu trên mà ảnh hưởng cả tới chuyên ngành đường ống.
  • Chủ đầu tư và nhà vận hành công trình yêu cầu và chỉ định đơn vị EPC chỉ sử dụng các công nghệ và giải pháp phần mềm với phiên bản đã cũ trong quá trình thiết kế và triển khai EPC. Do các ràng buộc không phù hợp trong quy định của hợp đồng EPC về phiên bản phần mềm (yêu cầu chỉ định sử dụng phiên bản, thế hệ phần mềm đã cũ và lạc hậu), tổng thầu EPC và các nhà thầu phụ đã phải tiếp tục sử dụng công nghệ/giải pháp và phần mềm phiên bản cũ. Điều này đã không khuyến khích và đã kìm hãm các nhà thầu EPC sử dụng công nghệ và giải pháp mới – làm giảm rõ rệt hiệu quả và năng suất triển khai dự án EPC.
  • Việc EPC sử dụng công nghệ và giải pháp phần mềm đã không mang lại hiệu quả như cam kết. EPC lựa chọn và triển khai áp dụng công nghệ, giải pháp phần mềm vào dự án EPC đã không thành công, không mang lại kết quả như cam kết với chủ đầu tư.
  • Thiếu sự tích hợp và liên thông dữ liệu khi triển khai dự án. Đa phần các EPC vẫn đang sử dụng các giải pháp, công cụ thiết kế và quản lý dự án với các dữ liệu bị tách biệt và không tận dụng lại dữ liệu của các công cụ trước đó. Các bộ dữ liệu không có sự liên thông và đồng nhất giữa các giai đoạn, giữa các khâu và các chuyên ngành thiết kế/nghiệp vụ khách nhau, mặc dù chúng liên quan chặt chẽ và cần đồng nhất với nhau. Một số đơn vị có khai thác tận dụng lại dữ liệu ở các nguồn thiết kế/nghiệp vụ khác nhau nhưng chỉ ở cách thức trao đổi dữ liệu theo phương thức đã cũ là trao đổi thủ công qua các file trung gian (xls, csv, cvx, xml …) – cách thức này không hiệu quả, thiếu kiểm soát và rất dễ sai sót do lỗi chủ quan bởi con người trong quá trình thực hiện.

Với thực tế bối cảnh hiện nay, các đơn vị triên khai EPC công trình công nghiệp cũng như nhiều hoạt động kinh doanh trong các ngành nghề khác, đang phải đối mặt với thách thức chưa từng có (hoặc ít nhất là đã chưa từng gặp phải trong hơn nửa thế kỷ qua) –  thách thức sống còn để tồn tại là cần phải biến đổi một cách nhanh chóng sao cho có thể thích nghi với bối cảnh mới - “thích nghi hoặc là chết”. Một cách tự nhiên đối với các EPC muốn tồn tại và có thể phát triển trong tương lai là cần phải thực hiện chuyển đổi số và áp dụng EPC 4.0 (Áp dụng công nghệ 4.0 vào triển khai dự án EPC). Có thể nói rằng chuyển đổi số và áp dụng EPC 4.0 không còn là tùy chọn của các EPC như trước kia nữa - mà đó là việc quan trọng cần thực hiện ngay trong bối cảnh hiện nay.

Để đồng nhất  cách hiểu về khái niệm EPC 4.0, chúng tôi đưa ra định nghĩa EPC 4.0 như sau: EPC 4.0 là việc xây dựng và áp dụng hệ thống tích hợp dữ liệu triển khai dự án EPC - hệ thống dữ liệu thiết kế và quản lý triển khai EPC. Hệ thống sẽ lưu trữ và quản lý tất cả các thông tin trong các khâu triển khai dự án E-P-C (thiết kế, mua sắm, thi công xây dựng). EPC 4.0 cũng có thể mở rộng ra bao gồm cả việc xây dựng và quản lý thông tin liên quan tới nghiệp vụ quản lý dự án (M – thông tin quản lý dự án trong EPC+”M” ). EPC 4.0 không chỉ được áp dụng trong giai đoạn triển khai dự án EPC mà còn là môi trường để áp dụng cho các nghiệp vụ kiểm soát sự thay đổi, tái sử dụng dữ liệu trong quá trình vận hành và đặc biệt là trong giai đoạn chuyển giao bộ dữ liệu số của công trình từ EPC cho Chủ đầu tư/nhà vận hành.

Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, để tồn tại và phát triển trong tương lại, các EPC cần phải thúc đẩy việc nhanh chóng thay đổi công nghệ quản lý sản suất đã cũ - đó là chuyển qua giai đoạn chuyển đổi số và áp dụng EPC 4.0 trong các dự án EPC.

Nguồn: Tạp chí Công nghệ hãng giải pháp phần mềm Hexagon

Quay lại

Bài liên quan

Bạn có thể quan tâm

XEM NHIỀU